Hỏi đáp về cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ sáu - 04/11/2016 22:31
Câu 1: Cuộc bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 có ý nghĩa chính trị như thế nào?

Trả lời:

Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng Nhà nước nói chung và cơ quan đại diện – cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương ở nước ta nói riêng.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh nước ta tiếp tục triển khai mạnh mẽ công cuộc đổi mới, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tổ chức bộ máy Nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau thành công của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn bầu ra những người tiên biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực nhà nước ở trung ương và ở địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Câu 2: Việc tổ chức hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử do cơ quan nào triệu tập và chủ trì? Bao gồm những công đoạn nào?

Trả lời:

- Hội nghị hiệp thương là hội nghị giữa Ủy ban MTTQVN với các tổ chức thành viên được tiến hành ở trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần,  số lượng người của cơ quan, tổ chức đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cũng như lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Hội nghị hiệp thương ở Trung ương do Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN triệu tập và chủ trì.

Hội nghị hiệp thương ở địa phương do Ban Thường trực UBMTTQVN ở mỗi cấp triệu tập và chủ trì, gồm cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Việc tổ chức hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là một giai đoạn hết sức quan trọng trong quá trình tổ chức bầu cử, được tiến hành theo 5 bước như sau:

Bước 1: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND;

Bước 2: Tổ chức giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người của đơn vị hành chính cấp dưới, của thôn, tổ dân phố để đưa vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp;

Bước 3: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND;

Bước 4: Tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND;

Bước 5: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thức ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn để ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Câu 3: Ngày bầu cử được quy định như thế nào? Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không? Ai có quyền quyết định?

Trả lời:

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND quy định ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Ngày bầu cử do Quốc hội ấn định. Quốc hội khóa XIII đã giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là Chủ nhật ngày 22 tháng 5 năm 2016.

Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Tùy tình hình địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu việc bỏ phiếu sớm hơn nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không được quá 9 giờ tố cùng ngày.

Câu 4: Cử tri có được bầu cử thay không?

Trả lời:

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định về nguyên tắc bỏ phiếu như sau: Mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và bỏ một phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tương ứng với mỗi cấp Hội đồng nhân dân.

Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay, trừ trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.

Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện việc bầu cử.

Câu 5: Trình tự giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến bầu cử?

Trả lời:

Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị được thực hiện như sau:

- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, UBBC tỉnh, HĐBC quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, UBBC tỉnh thì khiếu nại đến HĐBC quốc gia. Quyết định của HĐBC quốc gia là quyết định cuối cùng.

- Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu HĐND, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp nào thì được gửi tới Ban Bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban Bầu cử thì có quyền khiếu nại đến UBBC ở cấp tương ứng. Quyết định của UBBC là quyết định cuối cùng.

- Ban bầu cử, UBBC, HĐBC quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.

Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, HĐBC quốc gia, UBBC, Ban Bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về việc ứng cử và lập danh sách những người ứng cử.

Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì HĐBC quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc UBBC ở cấp tương ứng (đối với đại biểu HĐND) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

Không xem xét và giải quyết đối với những đơn tố cáo không có họ, tên người tố cáo hoặc mạo danh người khác để tố cáo.

HĐBC quốc gia, UBBC tỉnh, huyện, xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến UBTVQH (đối với bầu cử đại biểu QH) hoặc Thường trực HĐND khóa mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Tác giả bài viết: BAN DÂN CHỦ - PHÁP LUẬT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây